Trật khớp vai là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị
Người trong độ tuổi khoảng 20 – 40 thường xuyên vận động sẽ có nguy cơ cao mắc phải tình trạng bị trật khớp vai. Nếu không chữa trị tận gốc và đúng cách, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với cơn đau dai dẳng và khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Vậy trật khớp vai là gì, nguyên nhân và cách điều trị bệnh lý này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Trật khớp vai là gì?
Trong cơ thể con người, khớp vai là khớp có khả năng di động nhất, nó bao gồm ổ chảo của xương bả vai và chỏm xương cánh tay. Trật hay sai khớp là chấn thương vai phổ biến nhất. Bệnh lý này chiếm khoảng 50 – 60% trong tổng số các loại trật khớp, thường hay gặp ở nhóm người trẻ tuổi.
Trật khớp vai hay sai khớp vai là tình trạng chỏm cầu xương cánh tay bị trật khỏi ổ chảo xương bả vai, gây ra biến dạng khớp. Chệch khớp bả vai khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn và mất khả năng vận động bình thường của khớp tạm thời. Hơn nữa, nếu bị trật khớp nhiều lần sẽ gây nên các tổn thương ở dây chằng, khiến bệnh trở nên trầm trọng.
Các dạng trật khớp vai điển hình
Dựa vào hướng và mức độ tách rời của chỏm xương cánh tay so với ổ khớp vai, bệnh được chia thành 3 loại chính, bao gồm:
- Trật vai ra trước: chiếm 95% các trường hợp bị trật khớp ở vùng vai. Chỏm xương bị lật ra trước ổ chảo xương vai, hướng vào trong hoặc xuống dưới. Bao gồm các dạng chỏm trong mỏm quạ, chỏm ngoài mỏm quạ (hay còn gọi là bán trật), chỏm dưới mỏm quạ và chỏm dưới xương đòn.
- Trật vai xuống dưới ổ chảo: Phần cánh tay quật ngược lên phía trên. Đây là trường hợp ít khi gặp.
- Trật vai ra sau: Đây là trường hợp khá hiếm, chỉ chiếm khoảng 5% các trường hợp. Trật vai ra sau thường do ngã chống tay trong tư thế khép vai hay bị động kinh, điện giật.
Nguyên nhân gây bệnh
Nhiều người bệnh không biết nguyên nhân gây ra trật khớp vai là gì nên dễ bị tái đi tái lại nhiều lần. Trên thực tế, khớp vai là khớp thường xuyên di chuyển theo nhiều hướng khác nhau nhất ở trong cơ thể. Vai có thể trật ra trước hay quay ra đằng sau, chiếu xuống dưới. Người bệnh bị trật khớp vai một phần hoặc bị hoàn toàn. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:
- Chấn thương trong khi chơi thể thao: Trật khớp vai là chấn thương thường gặp khi chơi thể thao như bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, cầu lông. Các môn thể thao dễ té ngã như trượt tuyết, chạy… cũng dễ gây ra tình trạng này.
- Tai nạn: Bị vật thể nặng rơi trúng vai hay va đập mạnh trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động rất dễ gây trật khớp vai.
- Té ngã: Khi ngã chống tay, đập vào vai khiến vùng vai bị ảnh hưởng trực tiếp, ví dụ như ngã từ cầu thang, ngã trên sàn nhà do trơn trượt…
- Mang vác đồ nặng: Khuân vác hoặc mang xách đồ đạc nặng, không đúng tư thế có nguy cơ cao bị trật khớp.
Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ gây ra đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Bệnh lý này khá phổ biến nên bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc phải.
Triệu chứng nhận biết
Các triệu chứng thường gặp của trật khớp vai là gì? Dưới đây là một số dấu hiệu thường thấy ở người bệnh:
- Biến dạng phần vai nhìn thấy rõ bằng mắt thường, khi sờ vai thấy hõm khớp rỗng vì chỏm xương cánh tay đã bật ra ngoài.
- Đau dữ dội ở phần khớp vai.
- Sưng, bầm tím vùng vai và cánh tay.
- Khớp vai khó di chuyển.
- Trật khớp vai cũng gây tê và ngứa ran ở gần vùng chấn thương. Cơ bắp ở vai bị co thắt gây đau hơn.
Nếu người bệnh không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Thương tổn mạch máu: Trật khớp vai làm cho động mạch nách bị tắc do thương tổn lớp áo trong và lớp áo giữa. Có trường hợp bị rách thành bên vì đứt gốc một nhánh bên hay bị co thắt.
- Các cơn đau khiến việc vận động ở vai trở nên khó khăn hơn.
- Biến chứng tổn thương đến thần kinh: trật khớp vai gây tổn thương thần kinh, đặc biệt là liệt dây thần kinh nách. Khi đó, người bệnh sẽ bị mất cảm giác ở vùng cơ delta, sau khi nắn khớp vẫn không thể dạng được cánh tay. Trường hợp nặng hơn là làm liệt hẳn đám rối thần kinh cánh tay.
- Tổn thương chóp xoay vai: Biến chứng này chiếm 55% của người bị trật khớp vai ra trước.
- Gãy xương kèm theo: Khoảng 30% người bệnh bị trật khớp vai gãy xương kèm theo. Bao gồm những biến chứng sau: gãy đầu trên xương cánh tay, vỡ bờ ổ chảo, biến dạng chỏm xương cánh tay dạng Hill-Sachs.
Người bị trật khớp vai nếu điều trị kịp thời và đúng phác đồ sẽ nhanh chóng bình phục trở lại bình thường. Tuy nhiên, bị trật khớp vai nhiều lần và tái đi tái lại rất dễ xảy ra nếu người bệnh hoạt động sai tư thế hay bị tổn thương thực thể trong khớp vai.
Các phương pháp điều trị
Khi hiểu rõ trật khớp vai là gì, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh thì người bệnh cần biết về cách chữa trị bệnh lý này. Đối với trường hợp mới bị trật khớp vai sẽ sử dụng phương pháp kéo nắn và băng bất động khoảng từ 2 – 4 tuần. Đối với trường hợp đã bị trật khớp vai trong thời gian dài hay bị tái đi tái lại nhiều lần thì phải dùng phương pháp khác hoặc phẫu thuật.
Nắn vai
Phương pháp điều trị này áp dụng cho các trường hợp mới bị trật khớp. Bác sĩ thực hiện một vài thao tác nhẹ để nắn phần chỏm xương cánh tay giúp trở về vị trí ban đầu ở trong hõm khớp ổ chảo. Tùy vào mức độ sưng, đau, bác sĩ chỉ định người bệnh nên dùng thuốc giảm đau, chống viêm cho phù hợp. Trong quá trình nắn trật khớp không cần gây mê. Khi chỏm xương cánh tay về được vị trí ban đầu, các triệu chứng đau cũng sẽ giảm thiểu rõ rệt.
Chường đá và chườm nóng
Đối với trường hợp nhẹ hay cần làm dịu đau đớn, người bệnh áp dụng biện pháp chườm đá, chườm nóng giúp cải thiện tình trạng. Khi thực hiện, dùng túi vải hay khăn bông chứa đá chườm lên vị trí vai tổn thương trong vòng 20 phút. Thực hiện liên tục trong 2 ngày, cách vài giờ lại làm một lần. Điều này sẽ giúp người bệnh giảm đau đớn, sưng và viêm nhanh chóng.
Sau 2 – 3 ngày, bệnh nhân dùng miếng đệm nóng hay chai nước nóng áp lên vị trí tổn thương nhằm giúp các cơ bị đau, căng được thư giãn. Thực hiện mỗi lần 20 phút và mỗi ngày 3 – 4 lần.
Cố định khớp
Bác sĩ sẽ sử dụng một loại nẹp, áo hay túi treo tay đặc biệt giúp giữ vai người bệnh ổn định khoảng vài ngày đến 3 tuần. Thời gian người bệnh cố định khớp phụ thuộc vào các mức độ chấn thương khác nhau. Phương pháp này giúp giữ cho vai không cử động, tạo điều kiện các mô tổn thương được chữa lành. Cố định khớp được áp dụng sau khi bị trật khớp, nắn chỉnh hay phẫu thuật.
Phẫu thuật
Người bệnh được bác sĩ chỉ định phẫu thuật trong trường hợp nếu vai mất vững do giãn, yếu các dây chằng. Ngoài ra có thể do tổn thương sụn viền khớp vai, có nguy cơ tái phát chấn thương trở lại mặc dù đã phục hồi. Đặc biệt, trong một vài trường hợp hiếm gặp, người bệnh phải tiến hành mổ nếu mạch máu và dây thần kinh bị tổn thương.
Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật nội soi khớp vai. Bác sĩ sử dụng một số dụng cụ chuyên biệt cùng một máy quay nhỏ đưa vào trong khớp qua vết mổ nhỏ. Phương pháp này thường được thực hiện bằng cách gây mê toàn bộ cơ thể. Sau mổ, bác sĩ tiêm thêm một vài loại thuốc giúp ngăn chặn tạm thời các tín hiệu thần kinh gây ra đau ở vai. Việc này giúp bệnh nhân giảm đau lên đến 10 – 12 giờ sau phẫu thuật.
Sử dụng thuốc
Nếu cơn đau nghiêm trọng, người bệnh có thể dùng Acetaminophen, Naproxen hoặc Ibuprofen để giúp giảm đau tạm thời. Những loại thuốc này sẽ làm xoa dịu cơn đau nhanh chóng hơn, mang đến cảm giác dễ chịu cho người bệnh. Tuy nhiên trước khi sử dụng các loại thuốc giảm đau, người bệnh cần tham khảo ý kiến của dược sĩ hoặc bác sĩ. Thận trọng dùng thuốc cho những người bị cao huyết áp, bệnh thận, bệnh tim, loét dạ dày và xuất huyết dạ dày.
Phục hồi chức năng
Các bài tập vật lý trị liệu giúp người bệnh phục hồi khớp vai, đồng thời hồi phục sức mạnh và sự ổn định cho vai. Người bệnh phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ để có được kết quả tốt nhất. Tránh vận động sai cách hay vận động quá sức khiến khớp vai bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
Với những phương pháp trên, bệnh nhân cần phải đến những phòng khám hoặc bệnh viện uy tín và chất lượng. Việc này giúp đảm bảo người bệnh được điều trị tốt nhất và có hiệu quả lâu dài.
- Điện xung: Theo một vài báo cáo, điều trị sử dụng điện xung đã được kiểm chứng mang lại sự cải thiện các cơn đau trong bệnh trật khớp vai.
- Siêu âm/sóng ngắn: Phương pháp nhiệt sâu giúp chống viêm và giảm tắc nghẽn mạch.
- Các bài tập: bệnh nhân tự tập vận động khớp vai theo các động tác như duỗi khớp vai ra sau, đưa khớp vai ra trước, lên trên, khép khớp vai vào trong, dạng khớp vai ra ngang lên trên. Bên cạnh đó có thể tập với dụng cụ như tập với sợi dây, tập với gậy, tập với ròng rọc, tập vận động với thang tường…
Cách phòng ngừa bệnh
Theo thống kê cho thấy có hơn 90% trường hợp bị tái trật khớp vai sau khi bị trật khớp đầu tiên. Hầu hết bệnh lý này diễn ra ở những người có độ tuổi trẻ và hoạt động nhiều. Khi khớp vai bị trật nhiều, các cấu trúc sụn viền hoặc dây chằng bao khớp sẽ bị rách rộng hơn. Điều này dẫn đến người bệnh bị gãy mảnh xương, khuyết xương… từ đó khả năng vận động của vai bị suy giảm. Để phòng ngừa bị trật khớp vai, người bệnh nên:
- Tuân thủ thời gian bất động khớp vai và thực hiện các bài tập giúp phục hồi theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Luyện tập nâng cao sức mạnh, sự dẻo dai của vai thường xuyên. Khởi động kĩ trước khi tập thể dục và chơi thể thao, tránh việc vận động quá mức.
- Khi nhận thấy các dấu hiệu của trật xương vai, người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín. Những nơi có các bác sĩ giỏi và giàu kinh nghiệm sẽ giúp chẩn đoán và hướng dẫn phác đồ điều trị đúng nhất. Điều này giúp bệnh được hồi phục nhanh nhất và tránh tổn thương kéo dài.
Lời kết
Trật khớp vai là bệnh lý thường gặp không chỉ ở người lớn tuổi. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu người bệnh không điều trị đúng cách sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về trật khớp vai là gì, dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị bệnh. Hãy tiếp tục theo dõi web để cập nhật thêm nhiều thông tin về sức khỏe nhé!